Trầm Hương là gì? Các định nghĩa về Trầm Hương.

Trầm Hương, một loại gỗ quý hiếm và huyền bí, từ lâu đã được biết đến với hương thơm lạ lùng, ấm áp và những giá trị tinh thần to lớn. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Trầm Hương vẫn giữ nguyên vị thế độc tôn trong văn hóa Á Đông, ẩn chứa nhiều câu chuyện và bí ẩn về nguồn gốc, hình thành và công dụng. Bài viết này sẽ giới thiệu và giải thích các định nghĩa khác nhau về Trầm Hương, từ các tài liệu của Việt Nam và nước ngoài.

I. Định Nghĩa Trầm Hương theo các Tài Liệu Việt Nam.

Trầm hương, một loại gỗ quý hiếm và huyền bí, có giá trị tinh tế và giá trị cao trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, so với tầm quan trọng của nó, vẫn còn rất ít tài liệu ghi chép về trầm hương ở Việt Nam, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.

Điều này có phần đáng tiếc, bởi vì Việt Nam được xem là nơi sản xuất trầm hương có chất lượng tốt nhất thế giới. Nhằm góp phần lấp đầy khoảng trống này, bài viết này sẽ tập trung vào việc khảo sát và phân tích các định nghĩa về trầm hương được ghi chép trong các tài liệu Việt Nam.

Bốn tài liệu sau đây được xem là ghi chép rõ nhất về Trầm Hương ở Việt Nam:

1.1 Định Nghĩa Trầm Hương trong “Phủ Biên Tạp Lục” (1776) bởi Lê Quý Đôn.

  • Hương kỳ-nam là bởi ruột cây gió kết lại mà thành ra. Cây gió có 3 loại : gió luỡi trâu kết thành khổ trầm, gió niết kết thành trầm hương, gió bầu kết thành kỳ nam. Khi người ta trông thấy cây đã già, lá nó vàng, thân cây có biếu thì biết là cây ấy có hương, bổ ra mà lấy.
  • Trầm hương sản ở nhiều nơi, sản ở Chân-lạp là hạng tốt nhất, ở Chiêm-thành là thứ hai, ở Bột-nê là thứ ba. Trầm hương sản ở Chân-lạp chia làm 3 hạng, hạng ở Lục-dương là là tốt nhất, hạng ở Tam-lộc thứ hai còn hạng Bột-la-cương là kém. Nói về hương thì hạng trầm có ngay khi cây còn tươi là tốt nhất, hạng trầm nào khi cây đã héo mà rụng xuống là hạng vừa. Chặt nó dòn và rắn là tốt, chất vàng là hạng vừa. Hình nó có thứ như hình con tê, có thứ như hình con chim yến, có thứ như hình cái thoi (chép lại từ tập Thiên-nam-du-ba)
  • Trầm hương nặng, ít hương, sắc nhạt, mùi đắng,
Phủ Biên Tạp Lục (1776) Bản dịch năm 1959 do Ngô Lập Chí dịch nghĩa, trang 122.

Phủ Biên Tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn không phải là tài liệu đầu tiên về Trầm Hương ở Việt Nam, nhưng là tài liệu còn được lưu trữ tương đối đầy đủ nhất cho đến ngày nay.

Trước Phủ Biên Tạp Lục, đã có một số tài liệu ghi chép về Trầm Hương, bao gồm:

  • Đại Nam thực lục: Chính biên ghi chép các sự kiện lịch sử từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải Định (1925) có đề cập đến việc thu và miễn thuế trầm hương và kỳ nam đối với người dân khu vực Khánh Hòa. (quyển 51, mặt khắc 18)
  • Đại Nam Nhất Thống Chí (thế kỷ 19): Sách địa chí mô tả về các địa danh, sản vật của Việt Nam, trong đó có Trầm Hương. (quyển 11, mặt khắc 29)

Tuy nhiên, những tài liệu này không đưa ra được các định nghĩa cụ thể về trầm hương và chỉ là các ghi chép các số liệu về sản lượng và khu vực khai thác trầm hương mà thôi. Do đó, Phủ Biên Tạp Lục được xem là nguồn tài liệu quan trọng nhất để nghiên cứu về Trầm Hương ở Việt Nam trong giai đoạn trước thế kỷ 19.

1.2 Định Nghĩa Trầm Hương trong “Đất Việt Trời Nam” (1960) bởi Thái Văn Kiểm.

Vậy trầm là gì? Trầm là giồng cây thuộc họ Thyméléacées. Tên khoa-học của nó là Aquilaria Crassna Pierre, tên Tàu gọi là 沉香, tức trầm hương, đọc quan-thoại là ch’en hsiang. Pháp gọi là bois d’aigle, bois d’aloès, Việt-Nam gọi là Gió Bầu, Trầm-hương, Kỳ -nam. Cao-Miên gọi là Kalampeahk Chan Crassna, Krassna, Kresna. Klampèoh. Người Hébreux gọi là Ahalot, Á-Rập gọi là Aghaluhy, Hy-Lạp gọi là Agallochon. Sanscrit gọi là Agaru, hay là Aguru; Pháp cũng gọi là Agalloche. Tiếng La-Tinh gọi là Agallochum. Tiếng Mã-Lai gọi là Garu, Sanscrit cũng gọi là Garu hoặc Calambak. Tiếng Anh gọi là Agal wood hay Aloes wood. Tiếng Đức gọi là. Adlerholz. Tiềng Bố-đào-Nha gọi là Aguila hoặc Pao de Aguia, người Chàm gọi là Gahla hoặc Galao…

…Người ta bảo rằng gỗ trầm biến thành kỳ-nam do những phân chim rơi xuống ở những nạn ba cây làm cho cây bị bệnh. Ở những chỗ bị bệnh ây, hình như chất dầu tụ lại nhiều, để chống chọi với chứng bệnh và do đó sinh ra kỳ-nam. Cũng có người bảo rằng sự cầu kết thành kỳ-nam là do một thứ nầm làm cho chất gỗ nhẹ dần, thay mầu sắc và tụ tập chất dầu lại nhiều, sự tụ tập dẩu lại như vậy rất là bất thường. Nó có thề ở phía dưới thân cây, gần gốc cây, ở nạn ba cành…

…Hoặc có khi cũng do những thứ vật như voi, cọp, trâu, bò rừng, đụng chạm làm cho thân cây bị thương tích. Ngay chỗ bị thương ấy dầu bắt đầu tụ lại và dần dần thay hẳn tính-chầt của gỗ..

.. Khi chất dầu tụ tập ở gốc cây hay ở rễ cây lớn thì thành ra trầm. Nếu chất trầm này có lỗ và lởm-chởm thì gọi là trầm mắt kiến. Nếu mới bắt đầu tụ tập dầu ở vài nơi khác, làm thành một thứ gỗ thơm có vài chấm đà, thì gọi là tốc. Khi nào sự kết tụ dầu đền chỗ hoàn-thành, thì cây gió già rụi và chết, lúc bấy giờ thân cây tự nhiên mục dần và hùy-hoại rất mau, chi đề lại những khúc trầm…

Đất Việt Trời Nam (1960) bởi Thái Văn Kiểm (trang 278-279)

Thái Văn Kiểm là một trong những người đầu tiên đã hình thành được định nghĩa về Trầm hương, ông chỉ ra rằng sự hình thành trầm hương là do cây gió bầu tiết ra một loại dầu khi cây bị tổn thương do ngoại lực hoặc do chống chọi với các loại bệnh tật cho động vật mang lại. Nhờ vậy ông đã vén bức màn bí ẩn ra khỏi các truyền thuyết được thiêu dệt xung quanh trầm hương, mở ra góc nhìn một cách khoa học hơn về trầm hương cho xã hội.

Ngoài ra ông đã có nghiên cứu về tên gọi của trầm hương bằng các ngôn ngữ khác, tên khoa học của cây gió bầu điều này cho ta thấy rằng không chỉ ở Việt Nam, mà trầm hương đã được cả thế giới và cả các nhà khoa học biết đến từ rất sớm.

1.3 Định Nghĩa Trầm Hương trong “Xứ Trầm Hương” (1969) bởi Quách Tấn.

Trầm hương (kỳ và trầm) do cây gió sanh ra. Đó là việc trước mắt. Còn vì sao lại riêng cây gió sanh được trầm hương còn các giống cây khác lại không có, và trầm hương kết tạo cách thế nào, do tinh ba của cây kết tụ lại mà hình thành hay do một chất hương ở ngoài bay vào thân cây rồi cùng nhựa cây tạo tác, thì chưa người nào, chưa có sách vở nào giải thích cho đích đáng.

Người thì bảo rằng : Hương trời bay theo gió đáp vào thân cây, ban đầu dính ngoài vỏ rồi ăn lần vào thịt, rồi nhờ chất nhựa của cây biến chế và di chuyển đi nhiều nơi. Lâu ngày thịt cây thấm hương thành trầm. Và trầm biến thành kỳ nam do phân chim rơi nhằm, hoặc do một thứ nấm bám vào.

Người lại bảo : Cây gió sanh trầm hương cũng như con trai sanh ngọc. Nhánh cây, thân cây hoặc rễ cây bị thương tích. Chất dầu trong cây tụ tập để chống lại sự phá hoại của vết thương. Khi vết thương lành rồi thì chất dầu đọng lại đó dần dần thay tánh chất của gỗ và tạo thành trầm hương. Chỗ nào dầu đọng nhiều thì thành kỳ, chỗ nào dầu đọng ít thì thành trầm. Và do vị trí cùng « cơ cấu xã hội » của từng đoạn trong thân cây mà sanh ra nhiều thứ kỳ nhiều thứ trầm.

Đó chỉ là ức đoán chớ chưa ai ra công nghiên cứu kỹ càng. Cho nên đành biết đại khái rằng trầm hương từ nơi cây gió mà sinh ra. Nhưng không phải cây gió nào cũng sanh trầm hương. Có nhiều cánh rừng cây gió mọc đầy nhưng xưa nay chưa hề nghe nói có trầm hương. Thường thường trong một cánh rừng thăm thẳm chỉ có một vài cây gió có trầm hương.

[ghi chú của Quách Tấn]: Trong « Đất Việt Trời Nam » tác giả Thái Văn Kiểm đã nói rất tỉ mỉ về trầm hương. Nên đây chỉ nói sơ lược những điều Thái quân đã nói kỹ, và nói thêm những điều Thái quân chưa nói.

Xứ Trầm Hương (1969) bởi Quách Tấn (trang 334-335)

Quách Tấn là người tiếp bước Thái Văn Kiểm viết về trầm hương. Các định nghĩa của Quách Tấn không phải dựa trên cơ sở khoa học mà dựa vào việc phỏng vấn các nhà buôn và các phu trầm ở khu vực Khánh Hòa. Các định nghĩa này cho ta biết suy nghĩ và tư duy về trầm hương của người dân khu vực vào thập niên 70 trở về trước. Ông cũng đưa ra khẳng định rằng: Cho đến thời điểm năm 1969 chưa có sách vở hay nhà khoa học nào nghiên cứu và giải thích về sự hình thành trầm hương trong cây đó bầu.

Trầm hương, một sản vật quý giá từ xa xưa, lại có giai đoạn bị giới học giả và khoa học hiện đại lãng quên vào thập niên 60. Nhiều người cho rằng trầm hương chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Tuy nhiên, Việt Nam may mắn sở hữu một nhà khoa học chính thống đã dành tâm huyết nghiên cứu về loại sản vật này, ghi chép thành sách vào những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là Giáo Sư, Tiến Sĩ Đỗ Tất Lợi.

1.4 Định Nghĩa Trầm Hương trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (1962) – GS.TS. Đỗ Tất Lợi

hình ảnh Trầm Hương (kỳ nam) trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” - GS.TS. Đỗ Tất Lợi
hình ảnh Trầm Hương (kỳ nam) trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – GS.TS. Đỗ Tất Lợi

Trầm hương còn gọi là kỳ nam, trà hương, gió bầu, bois d’aigle, bois d’aloes. Tên khoa học Aquilaria agallocha Roxb. (A. crassna Pierre) Thuộc họ Trầm Thymelacaceae. Trầm hương (Lignum Aquilariae) là gỗ có nhiều điểm nhựa của cây trầm hương. Vì vị thuốc có mùi thơm, thả xuống nước chìm xuống do đó có tên gọi như vậy (trầm-chìm).

Việc tạo thành trầm hương chưa rõ: Có người nói trầm hương được tạo thành do một bệnh gây bởi sự biến chất của những cứt chim ở kẽ cành. Hiện nay người ta mới chỉ biết rằng cây càng già, 10 đến 20 năm hoặc lâu hơn, gỗ cây biến thành một chất bóng như đá sỏi, có những vết nhẵn, gồ ghề trông giống như cánh con chim ưng do đó có tên là gỗ chim ưng (bois d’aigle). Tuy nhiên, cũng có những mẫu gỗ không có các điểm trên, mà chỉ có một màu nâu đỏ đều. Có những miếng gỗ chỉ có những điểm màu lam nhạt.

Tại những vùng có cây trầm hương có bệnh (tức là bắt đầu có những điểm nâu đỏ), thì người ta thường làm nhà ở gần để canh, vì loại trầm thu được như vậy giá rất đắt, có khi gấp 20-30 lần. Một cây gió bầu có trầm cho từ 2-30kg trầm hương. Trầm hương có hình dáng, kích thước không nhất định: Có khi là miếng gỗ, có khi là những cục hình trụ, thường dài 10cm, rộng 2-4cm, hai đầu có vết như dao cắt, có khi lại như miếng gỗ mục, mặt ngoài màu vàng nâu, có khi có những vết dọc sẵm màu, chất cứng nặng, nơi cắt ngang có thể thấy những đám nhựa màu đen hay đen nàu. Mùi thơm đặc biệt, khi đốt lên mùi thơm lại càng rõ rệt.

Loại trầm hương tốt có thành phần tan trong cồn lên tới 40-50% sau khi xà phòng hóa bằng KOH rồi cất hơi nước sẽ được chừng 13% tinh dầu. Trong tinh dầu thành phần chủ yếu là benzylaxcton-C,H,CH,-COCH, 26%, metoxybenzylaxeton 53% và tecpen ancol 11%. Ngoài ra còn axit xinamic và các dẫn xuất của nó.

“Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – GS.TS. Đỗ Tất Lợi phần II, trang 435, bản năm 2004

Định nghĩa trên cho ta thấy GS.TS. Đỗ Tất Lợi đã nghiên cứu rất sâu về các thành phần và hướng dẫn tách chiết tinh dầu của trầm hương. Nhưng Giáo Sư vẫn thừa nhận rằng chưa rõ sự hình thành trầm hương trong cây dó bầu diễn ra như thế nào và cần điều kiện gì.

Nhưng cho dù vậy, các nghiên cứu về Trầm Hương của GS.TS Đỗ Tất Lợi vẫn là nghiên cứu đáng tin cậy nhất trong giới học thuật. Nghiên cứu này tạo ra tiền đề cho việc phát triển các nghiên cứu hiện đại về trầm hương sau này.

II. Định Nghĩa Trầm Hương theo góc nhìn của Khoa Học Hiện Đại.

Mảng trầm hương trong cây Dó bầu đang sinh trưởng.

Cho tới thời điểm hiện tại (2024), giới Khoa Học Hiện Đại tuy đã có cái nhìn tổng quan về Trầm Hương và tác ứng dụng của nó nhưng vẫn chưa xác định được cách thức cụ thể sự hình thành của trầm hương trong tự nhiên. Và dĩ nhiên rằng Trầm Hương vẫn là một sản vật bí ẩn vì chưa có phòng lab nào trên thế giới tổng hợp hay tái tạo được chất-trầm-hương hay gỗ-trầm-hương trong phòng thí nghiệm.

Không vì thế mà các nhà khoa học dừng lại, dưới đây là định nghĩa trầm hương theo giới khoa học hiện đại mang tính phổ quát nhất và được chấp nhận bởi các nhà khoa học ở ít nhất là 4 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia . . .

Trầm hương là một loại hỗn hợp bao gồm gỗ của cây dó bầunhựa thơm được hình thành trong thân cây Dó bầu (Aquilaria spp.) thuộc họ Dó (Thymelaeaceae). Quá trình hình thành trầm hương bắt đầu khi phần lõi của cây Dó bầu bị kích thích hoặc tổn thương do tác động của môi trường như sét đánh, côn trùng tấn công, hoặc do con người tác động (các nghiên cứu mới nhất cho rằng thân cây bị nhiễm một loại vi sinh vật tự dưỡng tên là Rhodobacter spp) . Để tự bảo vệ, cây sẽ tiết ra một loại nhựa thơm để bịt kín vết thương. Nhựa thơm này theo thời gian sẽ tích tụ và bão hòa trong gỗ và tạo ra các mô có mùi thơm đậm đà. Vì những bộ phận này rất đặc và có thể chìm dưới nước nên còn được gọi là “trầm hương”

Gỗ trầm hương cứng, hầu như không nổi trong nước, có vị hơi đắng nhưng ngọt. Khói dày khi đốt tỏa ra mùi thơm nồng, dầu đen rỉ ra. Hầu như ít hoặc không tỏa ra hương thơm khi ở nhiệt độ thường. Ngoài ra, Sau khi cây trầm hương bắt đầu có mùi thơm do vết thương , nó sẽ trải qua một thời kỳ sinh trưởng dài , ít nhất phải vài năm đến hơn chục năm, tuy nhiên, một miếng trầm hương chất lượng cao phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. hình thành nên sản lượng rất ít, thị trường khan hiếm nên rất quý và có giá trị sưu tập cao.

tham khảo từ Baiduja.wiki

Ngoài ra, ta còn có thể định nghĩa trầm hương dựa vào các thành phần hóa học. Sử dụng Phương pháp sắc ký khí – quang phổ khối (GC-MS) ta có thể thấy được tinh dầu trầm hương là một hỗn hợp các loại tinh dầu khác nhau. Nhiều loại trong đó vẫn còn là ẩn số.

GCMS-agarwood

Định nghĩa trên thường được chấp nhận trong tất cả các tài liệu mang tính học thuật về trầm hương. Nhưng ngoài các nhà khoa học thì các nhà phong thủy – 风水 (Fēngshuǐ) cũng đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác về trầm hương. Ngạc nhiên thay, các định nghĩa về trầm hương theo các thầy phong thủy truyền thống lại có một lý luận với nhiều điểm hoàn toàn tương đồng với góc nhìn của các nhà khoa học hiện đại.

III. Định Nghĩa Trầm Hương theo góc nhìn của các nhà Phong Thủy truyền thống.

Trong khoa phong thủy Á Đông, trầm hương được xem là vật có linh khí của đất trời, hội tụ những tinh hoa của vũ trụ. Theo góc nhìn của Phong Thủy, trầm hương không chỉ là một loại nhang thơm được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo mà còn là một vật phẩm mang lại nhiều năng lượng tích cực cho con người và gia chủ.

Theo khoa Phong Thủy, trầm hương có những đặc điểm sau:

  • Thuộc tính: Trầm hương mang thuộc tính dương, có khả năng hút vượng khíxua đuổi tà khí, và bảo vệ gia chủ khỏi những điều xui xẻo.
  • Ngũ hành: Trầm hương thuộc hành Mộc, có khả năng tăng cường sức khỏemang lại bình an, và may mắn cho gia chủ.
  • Linh khí: Trầm hương được cho là tích tụ linh khí của đất trời, giúp thanh tẩy tâm hồntăng cường trí tuệ, và nâng cao nhận thức.

Theo quan niệm dân gian Trung Quốc, người xưa thường ví trầm hương như người quân tử khiêm tốn. Vì vậy, trầm hương là biểu tượng của quân tử, trầm hương ngoài tự nhiên được hình thành qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, hương thơm lan đến ba cõi trong tam giới và thu thập tinh hoa trời, đất, mặt trời, mặt trăng. Trầm hương không chỉ thu hút tài lộc, bảo vệ cơ thể mà còn có thể tu dưỡng đức hạnh.

Trầm hương khi dùng làm trang sức đeo trên người trong thời gian dài sẽ dần dần bị ảnh hưởng bởi con người, và con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi trầm hương. Nếu một người đeo trầm hương lâu năm, trên người sẽ có năng lượng tích cực, đồng thời người đó cũng sẽ có mùi hương trầm tinh tế và trang nhã.

Nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại thì:

Trầm hương có thể cộng hưởng với môi trường tự nhiên xung quanh, tỏa mùi thơm mát cho ngôi nhà, ngăn cản sự tích tụ mùi hôi và vi khuẩn lây bệnh, giúp tăng cường sự thông thoáng cho chỗ ở, xua đuổi muỗi hay ruồi nhặn, tăng cường sức khỏe và tuổi thọ của gia chủ.

Với góc nhìn này thì các định nghĩa và ứng dụng của trầm hương có nhiều điểm tương đồng với khoa học hiện dại. Nó cho ta thấy rằng trầm hương tuy hiếm nhưng nó đã đi sâu vào văn hóa và đời sống Á Đông lâu hơn bất kì sản vật nào mà con người biết.

Kết luận.

Mảng trầm hương trên cây dó bầu thường thu hút rất nhiều kiến.

Trầm hương là một vật phẩm quý giá mang nhiều giá trị về mặt tinh thần, văn hóa, y học, và phong thủy. Trầm hương được hình thành từ nhựa thơm của cây Dó bầu, trải qua quá trình bào hòalên hương trong thời gian dài.

Có nhiều cách để định nghĩa trầm hương, mỗi cách tiếp cận đều mang đến những góc nhìn riêng biệt và bổ sung cho nhau.

  • Theo khoa học hiện đại, trầm hương là một nhựa thơm được hình thành trong thân cây Dó bầu.
  • Theo văn hóa phương Đông, trầm hương là linh khí của đất trời, mang mùi hương thanh tao và lực lượng tâm linh huyền bí.
  • Theo y học cổ truyền, trầm hương là một loại dược liệu quý có nhiều công dụng chữa bệnh như an thầngiảm đauchống viêm,…
  • Theo phong thủy, trầm hương là vật phẩm mang lại vượng khítài lộcbình an, và may mắn cho gia chủ.

Dù được định nghĩa theo cách nào, trầm hương vẫn luôn là một vật phẩm quý giá được con người trân trọng. Việc sử dụng trầm hương đúng cách sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của con người.

14 thoughts on “Trầm Hương là gì? Các định nghĩa về Trầm Hương.

  1. Pingback: Hướng Dẫn Bảo Quản, Lưu Trữ Trầm Hương và Kỳ Nam.

  2. Pingback: Đức bà Thiên Y A Na: Vị Nữ Thần Cai Quản Trầm Hương. - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

  3. Pingback: Phân loại Kỳ Nam: Tổng hợp các phương pháp phân loại.

  4. Pingback: Kỳ Nam là gì? Kỳ Nam có thật không hay chỉ là truyền thuyết? - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

  5. Pingback: Quá Trình Hình Thành Trầm Hương tự nhiên Trong Cây Dó Bầu. - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

  6. Pingback: Tên gọi và ý nghĩa của kỳ nam trong các ngôn ngữ khác nhau.

  7. Pingback: Phân Loại Trầm Hương: Tổng Hợp Các Phương Pháp. - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

  8. Pingback: So Sánh Trầm Hương và Kỳ Nam: những yếu tố phân biệt. - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

  9. Pingback: Phu Trầm - Người đi điệu: nghề "Ngậm Ngãi Tìm Trầm". - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

  10. Pingback: Nghệ thuật Hương Đạo Nhật Bản: Văn hóa nghe hương độc đáo.

  11. Pingback: Một Số Tài Liệu Khoa Học Về Kỳ Nam - Kyara từ Nhật Bản.

  12. Pingback: Lan Xa Đãi - Ranjatai: Khối Trầm Hương Quốc Bảo Của Nhật Bản. - Trầm Hương Ân Nam - 沉香奇楠

  13. Pingback: Tổng Hợp Các Câu Hỏi Về Trầm Hương Và Kỳ Nam từ Ân Nam. - Trầm Hương Ân Nam - 沉香奇楠

  14. Pingback: Kiến thức pháp luật về Trầm Hương: Các thông tư và quy định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *