Phân tích gỗ Trầm Hương dưới góc nhìn từ Kinh Dịch.

Chu Hi có nói: “Phục Hi vạch ra 8 quẻ, tuy chỉ có mấy nét mà bao quát hết mọi lẽ huyền vi trong trời đất”. Triết học Đông Phương mà cụ thể là triết học Kinh Dịch đều đặt căn bản nơi Tượng (hay le symbolisme, chữ tượng trong chữ “tượng-trưng” hay “biểu-tượng”), hay nói rõ hơn chỉ cần 8 quẻ (Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) là có thể dùng làm biểu tượng cho mọi vật trong trời đất.

Trầm Hương vốn là một sản vật có từ ngàn xưa, xuất hiện trong mọi tôn giáo Đông-Tây, trong cả thơ văn lẫn nghệ thuật ta đều có bóng dáng của loại gỗ quý này. Trong văn hóa Đông phương, Trầm Hương còn được sử dụng như một vật phong thủy hay một loại bùa cầu may. Phong Thủy lại bắt nguồn từ Kinh Dịch. Nay, tôi mạo muội sử dụng Dịch học cơ bản để phân tích Trầm Hương hay cây dó bầu

Bài viết đã sử dụng và tham khảo các tài liệu về Kinh Dịch từ 3 bộ sách về Dịch Học:

  • Dịch Tượng Luận, Dịch Học Tinh Hoa, Chu Dịch Huyền Giải – Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
  • Dịch Kinh Đại Toàn – Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
  • Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử – Nguyễn Hiến Lê.

Xem thêm

Các loại cây theo các quẻ đơn trong Kinh Dịch.

Xem phần Thuyết Quái – chương XI [Nguồn] ta có thể thấy rằng: chỉ có 5 quẻ Chấn, Tốn, Khảm, Ly, Cấn là tượng trưng cho một loại cây nào đó, cụ thể:

  • Quẻ Chấn (hướng Đông):
    • 震 為 蒼 筤 竹 – Chấn vi thương lang trúc: Cây tre non và xanh.
    • 為 萑 葦 – Chấn vi hoàn Vĩ: Cây mây.
    • 為 反生 , 其 究 為 健 – Chấn vi phản Sinh, Kỳ cứu vi kiện: những giống gieo xuống đất, rồi lại mọc ngược lên, nó đội cả vỏ, y như Chấn 1 Dương mà đội 2 Âm.
    • 為 蕃 鮮 – Chấn vi phồn tiển: Loại lúa mọc sum suê

Vậy, quẻ Chấn tượng cho các loài cây mềm dẻo và sức vươn lên mãnh liệt như vây tre non, cũng tượng cho việc bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng của thực vật. Như ở chương V, tiết 2 có viết:

萬 物 出 乎 震. 震. 東 方 也Vạn vật xuất hồ Chấn. Chấn. Đông phương dã. (dịch nghĩa: Vạn hữu chào đời nơi quẻ Chấn. Chấn ở phía Đông, nơi mặt trời mọc mỗi buổi bình minh.)

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
  • Quẻ Tốn (hướng Đông Nam):
    • 巽 為 木 – Tốn vi mộc: Tốn là cây, vì Tốn thuộc mộc, trong Hậu Thiên Bát quái.
    • 為 長 – Tốn vi trường: Tốn là dài (tính từ)
    • 為 高 – Tốn vi cao: Tốn là cao (tính từ)
    • 為 臭 – Tốn vi xú: Tốn là mùi hôi

Vậy, quẻ Tốn tượng cho các loài cây đã cao lớn, có thân thẳng và cao đến mức có thể đón gió và chịu được các cơn gió mạnh. Cũng có thể tượng cho các loại cây có mùi xú uế (mùi hôi)

  • Quẻ Khảm (hướng Bắc):
    • 其 於 木 也 為 堅 多 心 – Kỳ ư mộc dã vi kiên đa tâm: Khảm là cây chắc thớ hoặc có lõi nhiều, vì Khảm có Hào Dương cương ở giữa 2 Hào Âm. 
    • 為 隱 伏 – khảm vi ẩn phục: Khảm là ẩn phục, ngầm trong đất
    • 為 矯 輮 – khảm vi kiều nhu: Khảm là cong, là thẳng, lượn khúc tùy địa thế.
    • 為 弓 輪 – khảm vi cung luân: khảm là cây cung hoặc cong như cây cung.

Ở quẻ Khảm tượng cho các loài cây thân gỗ có lõi cứng chắc và bộ rễ lan rộng trong đất. các loại cây này có thể uốn lượn cong hay thẳng tùy theo địa hình.

  • Quẻ Ly (hướng Nam):
    • 其 於 木 也 為 科 上 槁 – Kỳ ư mộc dã vi khoa thượng cảo: Ly rỗng giữa, nên sánh với cây rỗng giữa hoặc các giống cây có lõi bị rỗng.
    • 離 為 火 – Ly vi hỏa: Ly là lửa, vì Ly ở phương Nam, thuộc Hỏa.
    • 離 為 日 – Ly vi Nhựt: Ly là mặt trời, vì mặt trời là tinh hoa của lửa.

Quẻ Ly tượng cho các loài vây có thân rỗng bên trong, trái ngược với các loại cây có lõi cứng của quẻ Khảm. Ngoài ra các loại cây thuộc quẻ Ly có thể chịu hạn tốt hoặc dễ cháy hơn so với các loại cây ở quẻ Khảm.

  • Quẻ Cấn (hướng Đông Bắc):
    • 其 於 木 也 為 堅 多 節 – Kỳ ư mộc dã vi kiên đa tiết: Loại cây chắc thịt, có nhiều mắt (đốt), thường mọc trên núi.
    • 艮 為 山 – Cấn vi sơn: Cấn là núi
    • 為 果 蓏 – Cấn vi quả lõa: Cấn là quả hạt, vì quả hạt sinh ở núi, hay vì quả hạt là giao điểm giữa sự sống chết của cây, như quẻ Cấn đứng ở đầu mùa Xuân làm giao điểm cho sự sống chết của muôn vật.

Vậy, quẻ Cấn tượng cho các loài cây mọc ở trên núi, thường cứng chắc và có nhiều mắc, các loại cây cho quả hạt.

vậy ta có thể tổng kết lại bằng đồ hình sau:

Phân loại các loại cây theo bát quái hậu thiên.

Tính Chất của Trầm Hương hay cây dó bầu theo các đặc tính trong Kinh Dịch.

Qua phần trên, ta có thể thấy cổ nhân phân chia các loại cây theo vị trí sinh trưởng, tính chất của gỗ, hình dáng bên ngoài và một số yếu tố khác như rễ, mùi, sự chịu hạn hoặc chịu úng, cũng như việc sinh sản của giống cây. Vì vậy, để tìm hiểu xem giống cây dó bầu hay gỗ trầm hương thuộc vào quẻ nào trong kinh dịch, ta nhất thiết phải tìm hiểu các tính chất của cây gió bầu theo các tiêu chí trên trước.

  • Vị trí sinh trưởng: cây dó bầu là một loại cây chỉ có thể sinh trưởng ở phương Nam khí hậu nóng ấm. hiện nay dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì cây dó bầu vẫn chỉ có thể trồng nhân tạo được ở các tỉnh phía Nam của Trung Quốc.
  • Cao độ sinh trưởng: mặc dù vẫn có một số loài cây dó bầu mọc được ở núi cao, nhưng phần lớn các cây dó bầu được cho là sinh trưởng tốt ở cao độ dưới 1000m.
  • Đặc tính gỗ: gỗ dó bầu là loại gỗ mềm, khi tạo trầm thì có khi thớ gỗ cứng lại có khi không. Nhưng loại kỳ nam tốt nhất thì lại mềm như một mảnh da thuộc. Gỗ trầm hương dễ phơi khô, dễ cháy. khi cháy tạo hương thơm đặc trưng.
  • Đặc tính thân và rễ cây:
    • Thân cây dó bầu có mắt, chỗ mắt cây thường tạo trầm hay gọi là trầm mắt tử. nhưng cây dó bầu không có nhiều mắt như các loại cây khác.
    • Cây dó bầu có một lớp vỏ dày, tùy giống mà lớp vỏ này có thể trơn láng hoặc sần sùi. Nếu lớp vỏ này bị lột đi mất thì phần nhiều cây sẽ bị chết.
    • Về độ cứng của gỗ: khi so sánh với các loại cây thân gỗ khác có cùng tuổi đời thì gỗ cây dó bầu không được cứng bằng, có khi còn mềm hơn. Gỗ cây dó bầu thường không được dùng làm đồ nội thất mà chỉ được xay ra làm giấy.
    • Các cây dó bầu khi có trầm bên trong thì thân cây thường bị sâu bọ hay kiến đục rỗng, hiếm có cây nào không bị sâu bọ hay kiến đục rỗng lại tạo được trầm.
    • Rễ cây dó bầu nếu so với các loại cây thân gỗ tương tự thì độ ăn lan và sâu ở mức trung bình.
    • Trầm hương thường chỉ được tìm thấy ở thân cây, cành cây và gốc chính của cây. ít khi phát hiện trầm hương ở rễ phụ hoặc ở các loại rễ con.
  • Các đặc tính sinh trưởng:
    • Cây dó bầu là loại cây chịu được hạn tốt.
    • Cây dó bầu có sức sống mãnh liệt, dù cây bị sét đánh hay bị gãy đổ thì cây vẫn có thể sống được.
    • Cây mọc thẳng, độ cao trung bình so với các loài cây khác (từ 20-25m)

Vậy cây dó bầu tượng ở quẻ nào trong bát quái?

Qua các đặc tính trên của cây dó bầu, ta có thể loại trừ:

  • Quẻ Khảm và quẻ Cấn, do 2 quẻ này là tượng cho các loại cây có lõi cứng, chắc thịt, mà cây dó bầu là loại cây có gỗ mềm.
  • ta cũng có thể loại trừ quẻ Chấn, vì quẻ này tượng các loại cây tre, các loại cỏ tranh hay các giống thóc lúa.

Còn lại 2 quẻ TốnLy, cả 2 quẻ này đều có các đặc tính của cây dó bầu và gỗ trầm hương. Nhưng chúng tôi cho rằng quẻ tốn không thể tượng cho cây dó bầu vì:

  • 為 臭 – Tốn vi xú: Tốn là mùi hôi

Cây dó bầu mà cụ thể là gỗ trầm hương thì không thể là mùi hôi ( – Xú) được. Vì vậy, chúng tôi cho rằng quẻ Ly () là quẻ hợp nhất để dùng làm tượng cho cây dó bầu hay gỗ trầm hương.

Cây dó bầu hay trầm hương tượng ở quẻ Ly ().

Qua các khảo sát ở bên trên, ta thấy rằng:

  • Cây dó bầu là loài cây sinh trưởng ở phương Nam, quẻ ly cũng tượng cho hướng Nam.
  • Gỗ trầm hương trong cây dó bầu phải được đốt cháy thì mới sinh ra mùi thơm.
  • Cây dó bầu bị rỗng ruột mới có trầm hương tương tự quẻ Ly (其 於 木 也 為 科 上 槁 – Kỳ ư mộc dã vi khoa thượng cảo)

Kết hợp với phương pháp loại trừ, chúng tôi cho rằng:

離為沉香木Ly vi trầm hương mộc

Trầm Hương Ân Nam

Từ đây ta có thể suy ra một số tính chất của Trầm Hương dựa vào quẻ Ly theo Kinh Dịch:

Quẻ Ly đơn, hào giữa là Âm. Tu luyện là biến Ly thành Kiền = thành Trời, tức là phải lấy hào Dương của quẻ Khảm đơn, mà thay thế vào Hào Âm của quẻ Ly, vì Hào Dương của Khảm tượng trưng cho Đạo tâm. Phương pháp này gọi là Dĩ Khảm điền Ly.

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

Gỗ trầm hương được mệnh danh là gỗ của thần (wood of god) ắt cũng có lý do. Gỗ trầm hương tượng ở quẻ Ly – Ly trung hư, hào âm ở giữa 2 hào dương. Căn của quẻ Ly lại là quẻ Kiền, tượng cho trời. ở đây ta có thể cho rằng hào âm của quẻ Ly khi đốt lên biến thành hào dương thì quẻ Ly trở lại thành quẻ Kiền. Ngụ ý rằng: gỗ trầm hương khi được đốt lên thì hương thơm có thể thông tam giới, quỷ-thần-trời-đất đều cảm được hương thơm của trầm hương.

Quẻ Ly tượng về hướng Nam, Hướng Nam thuộc dương (Trời – dương, Đất – âm, Nam – dương, Bắc – âm, Đông – dương, Tây – âm). Cây dó bầu – trầm hương cũng là cây cây thân gỗ nên xếp trầm hương thuộc dương mộc can Giáp.

Ngoài ra, có thể thấy được ý nghĩa phong thủy của trầm hương thông qua quẻ Ly ở Thoán Từ:

離 : 利 貞 . 亨 . 畜 牝 牛 . 吉 .Ly. Lợi trinh. Hanh. Súc tẫn ngưu. Cát.

Dịch: Ly là dựa nương. Phải dựa nương vào sự công chính, mới hay, mới lợi (Ly. Lợi trinh. Hanh). Phải thuận phục lẽ Trời, mới tốt đẹp. Giữ tròn được tấm lòng nhu thuận, tuân phục lẽ công chính, cũng ví như nuôi được con trâu cái hiền lành, dễ bảo, như vậy là tốt, là hay. 

Thoán từ

Tương tự như vậy, Trầm Hương được xem là hương tế trời nên có sẵn sự công chính, Gỗ trầm hương phải dựa nương vào chủ tế (con người) thì mới thấu đạt lẽ trời. Là một vật báu. Trong nhà ai có được khúc gỗ trầm hương cũng như nuôi được con trâu cái hiền lành. Là điều cát lợi, vạn sự hanh thông.

Kết Luận.

Bài viết phân tích gỗ trầm hương dưới góc nhìn của Kinh Dịch không tránh được sự thiếu sót do kinh nghiệm của người viết còn quá ít ỏi. Nhưng vì nhận thấy rằng, trầm hương là thứ quốc bảo của Việt Nam, còn là món đồ quý trong nhiều gia đình nên đã mạo muội đưa ra một đề tài khá “gân guốc”. Bài phân tích này chắc chắn có chỗ không hợp lý nhưng vẫn mong được sự góp ý và nhận xét của các bậc cao minh trong làng Kinh Dịch lẫn làng Trầm Hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *