Đức bà Thiên Y A Na: Vị Nữ Thần Cai Quản Trầm Hương.

Tôn tượng Nữ thần Po Nagar hay theo cách gọi của người Việt là Thánh Mẫu Thiên Y A Na

Theo quan niệm của người Chăm-Pa ở Khánh Hòa, đặc biệt là những người đi điệu (phu trầm), trầm hươngkỳ nam là 2 vật phẩm quý giá thuộc về Đức Bà Thiên Y A Na. Bà ban tặng cho ai thì người ấy mới có cơ hội sở hữu. Ngược lại, nếu không được Bà lựa chọn, dù cố gắng tìm kiếm cũng khó lòng gặp may. Thậm chí, có những người may mắn nhận được món quà vô giá này mà không cần tốn công sức tìm kiếm. Vậy, Bà Thiên Y A Na là ai?

I. Đức Bà Thiên Y A Na hay Nữ thần Poh Nagar là ai?.

Đức Bà Thiên Y A Na (Chữ Hán: 天依阿那) hay người Chăm gọi là Nữ thần Po Ina Nagar, vị thần tối cao cai quản và che chở cho cuộc sống của người dân Nam Trung Bộ, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau:

  • Po Ina Nagar: Tên gọi chính thức của nữ thần trong tiếng Chăm.
  • Yang Pô Nagara: Một phiên bản khác của Po Ina Nagar.
  • Po Ana gar: “Ana” trong tiếng Chăm Eđê, Jrai có nghĩa là Mẹ.
  • Bà Đen (Muk Juk): Tên tục do người Chăm đặt – Thái Văn Kiểm ghi lại.
  • Thiên Y Thánh Mẫu Ana: Tên gọi do triều Nguyễn phong tặng.
  • A Na Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi: Tên gọi được tôn thờ trong dân gian Việt Nam
  • Bà Chúa Ngọc: Tên gọi phổ biến trong dân gian.
  • Bà Chúa Hồng: Một tên gọi khác của Bà Chúa Ngọc.
  • Bà Chúa Tiên: Tên gọi thể hiện sự tôn kính của người dân.
  • Bà chúa của xứ Kauthara: Nữ thần cai quản khu vực Kauthara (nay thuộc Khánh Hòa).
  • Thiên Y A Na: Hiện thân của nữ thần Po Ina Nagar trong văn hóa Chăm Pa.

Ngoài những tên gọi trên, nữ thần còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau tùy theo vùng miền và tín ngưỡng của người dân.

Sau khi các triều đại phong kiến Việt Nam chinh phục Chiêm Thành, việc thờ phụng nữ thần Po Nagar được chuyển giao từ người Chăm sang người Việt thông qua một biên bản bàn giao chính thức. Ngày nay, số lượng người Việt đến đền chiêm bái nữ thần có thể còn đông đảo hơn so với người Chăm trong quá khứ.

Với lòng tôn kính và biết ơn, người Việt và Chăm đã cùng nhau thờ phụng Đức Bà Thiên Y A Na. Vị trí cao quý của Bà Thiên Y A Na trong tín ngưỡng dân gian được khẳng định qua việc vua Gia Long phong tặng danh hiệu “Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần” ngay từ buổi đầu trị vì. Tiếp nối truyền thống đó, các đời vua sau cũng đều có những sắc phong riêng, khẳng định vị trí tối cao của Bà trong hệ thống tín ngưỡng dân gian.

II. Sự Tích Bà Chúa Ngọc – Đức Bà Thiên Y A Na.

Ba nguồn gốc khác nhau góp phần tạo nên sự tích về Bà Thiên Y A Na mà chúng ta biết đến ngày nay:

  • Sự tích do người Việt kể lại: được ghi chép bởi Cụ Phan Thanh Giản, khi ông làm quan Kinh lược Tả kỳ tại Khánh Hòa, và khắc lên bia ký để lưu truyền.
  • Sự tích do người Chăm Pa ghi chép: được nhà khảo cổ học Henri Parmentier dày công tìm kiếm và phát hiện trên các đền thờ Chăm Pa tại bảy đến tám di tích.
  • Theo truyền miệng dân gian: Qua nhiều thế hệ, người dân truyền tải câu chuyện về Bà bằng các truyện kể và huyền hoại.

2.1. Sự tích Đức Bà Thiên Y A Na do người Việt kể lại được Phan Thanh Giản khắc thành bia ký.

Đây là truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na theo quan niệm của người Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có rất nhiều phiên bản khác nhau xuất phát từ trí tưởng tượng dân gian. Trong số đó, chỉ có phiên bản được ghi chép trên bia ký do Phan Thanh Giản dựng vào năm 1856 (Tự Đức thứ 9) tại phía sau Tháp phương bắc và Tháp tây bắc được xem là có tính chính xác cao nhất. Dưới đây là bản dịch từ nguyên bản chữ Hán trên bia ký:

Trong thiên hạ, những chỗ sầm uất lâu đời hay có những sự tích ly-kỳ, người ta chép vào sử truyền lại vì thấy có ích cho nước, cho dân.

Xem như chuyện Lạc-già Quan thế-Âm và Lâm-thiên-Hậu ở Việt-dương toàn là chuyện lạ thường nên vẫn được lưu sử; cũng như sự tích Liễu-hạnh Công-chúa giáng-sinh ở Nam-định, những khi hiển ứng đều có ghi lại thành dã-sử.

Miền nam nước ta sông trong cảnh mưa thuận gió hòa, thuần phong mỹ-tục. Phần đất của con cháu Hồng-Lạc tuy đất hẹp dân ít, song lại là nơi dân-cư được thần-linh ùng-hộ nên được hoàn-toàn no-ấm và xem xứ mình như một cảnh bồng-lai ở thế-gian.

Cách trở với Trung-quốc, việc giao-thông không thuận-tiện nên cuộc bang giao khó-khăn.

Vì không có sử -sách để kê-cứu, tôi không được biết tích của Thiên- Y Thánh-Mẫu cho tường-tận, chính lúc đi qua Khánh-hòa là nơi nguồn-gốc của Thánh-Mẫu, được nghe các bậc bô-lão kể lại và được đọc dã-sử, cũng chỉ biết được sơ-lược thôi.

Người ta nói: Bà Thiên-Y giáng-sinh ở núi Đại-an (cạnh núi Cù-huỳnh), thuộc làng Đại-an, tỉnh Khánh-hòa, mé ngoài có biển bao-bọc, sơn thanh thủy tú, chính là nơi di-tích cảnh thần tiên. Nơi ấy có đôi vợ chồng già không con, nhà ở dưới chân núi ngày trồng dưa độ nhật. Dưa chín thì hay mất quả, hai vợ chồng lấy làm lạ, mới rình và bắt được một nàng độ hơn mười tuổi hái trộm dưa chơi dưới ánh trăng. Thầy nàng còn bé, vẻ mặt dễ thương, sống trong cảnh côi cút, hai vợ chồng mới thuận đem nàng về nuôi, thường vẫn nâng-niu yêu-mến, chẳng khác gì con ruột.

Một ngày kia trời làm lụt, cảnh vật buồn tênh, năng mới sực nhớ đền Tam-đảo, một cảnh thần-tiên cũ , liền hái hoa, chọn đá xây một hòn giả-sơn để ngắm; ông già thấy vậy nổi giận mắng nàng. Trong khi đang hối-hận buồn rầu, gặp lúc hồng thủy đẩy cây kỳ-nam đến, nàng bèn biến thân vào khúc gỗ kia, mặc cho dòng nước cuốn ra biển rồi dạt vào bờ Bắc-Hải (Trung-quốc), Dân-cư ở vùng đó lấy làm lạ rủ nhau ra vớt, nhưng quá nặng không khiêng nỗi. Lúc ấy có một vị Thái-từ Trung-hoa, tuổi chừng hai mươi, đang buồn rầu vì đã từng trèo non lặn suối mà chưa chọn được một ý-trung-nhân nghe tin ấy liền lấy xe đi đến bờ biển, tự mình đỡ nỗi cây kỳ-nam, đưa vào nội điện, thường hay vỗ-về khi nhàn rỗi. Một đêm trăng, hương thơm ngào-ngạt, Thái-Từ trông thấy bên cạnh cây kỳ-nam, một bóng người khi ẩn khi hiện lấy làm lạ và lúc Thái-tử đến gần thì bóng người kia lại biến đi. Một đêm kia trong khi thiên hạ đang say đắm giấc nồng. Thái-tử lén ra đó, chờ một hồi lâu, khi bóng mỹ-nhân hiển-hiện thì ông ta ôm choàng lấy ngay, không tránh được, nàng phải bày tỏ sự tình. Sáng hôm sau, nửa mừng nữa lo, Thái-tử vào tâu với Phụ-Hoàng, vua cha ngạc-nhiên, truyền bói một quẻ gặp quẻ đại-cát, nên cho Thái-tử kết hôn với nàng.

Hai vợ chồng Thái-từ ở với nhau đã lâu, sinh hạ được một hoàng-nam tên là Tri và một công-chúa gọi là Quý. Nhưng một ngày kia nàng nhớ quê cũ mới đem hai con đi, lại biến thân vào cây gỗ trầm, mặc cho dòng nước xuôi về Nam, đên chân núi Cù-huỳnh, tìm lại ngôi nhà xưa ở mé núi. Cảnh vật đổi dời, song thân đã khuất, tức thì Bà ở lại, sửa sang vườn tược, lập nhà thờ phụng cha mẹ. Dân trong vùng dại dột, không biết tìm kế sinh nhai, hay hại lẫn nhau. Bà mới đặt ra lễ-phép dạy dân ăn làm, cách sinh dưỡng rồi sau khi cho chạm tượng của Bà để lại ở chóp núi, Bà cỡi chim loan lên tiên giới một ban mai …

Bên Bắc triều, thấy người yêu đi không trở lại, Thái-tử cho người chèo thuyền đi tìm. Khi gần đến nơi, thủy-thủ tỏ vẻ hống-hách, dọa nạt dân trong vùng, và không biết kính cẩn tượng thân Bà, nên bị trời phạt, thổi một trận cuồng phong đánh đắm thuyền ấy ở cửa biển Đại-an. Ngày nay nơi đó, nổi lên một gò đá khắc chữ “khoa đẩu” (chữ Hời) xem khó hiều, và từ hồi ấy trở đi trên cù-lao Yến-thường có thần hiển-linh, cứu nhân độ thế, cầu xin gì cũng được, nên dân trong vùng khắp xa gần đều thiết bàn thờ phụng Ngài.

Trên núi cù-lao kia có một ngọn tháp cao sáu trượng thờ Ngài Thiên-Y, bên hữu một cái nhỏ cao hai trượng thờ Thái-tử, đằng sau một nhà nhỏ thờ hai con Ngài, bên tả thờ song thân. Trước mặt tháp có dựng một cái bia đá viềt chữ “Hời” như ta đã thầy trên hòn đá án ngữ ngoài cửa biển. Trong vườn của Ngài, hoa quả vẫn tốt tươi, khách ngoạn cảnh có thể hái và ăn tha hồ tại chỗ. Hàng năm đến kỳ tế lễ, sơn thú và hải ngư về chầu ở cửa điện và người kính cẩn gọi Ngài là Thiên-Y-A-NA Diển Bà Chúa Ngọc Thánh-Phi.

Có một điều mà tôi lấy làm lạ nếu Ngài quả là một Thiên-nữ thời đên đấy làm chi, toan sống trọn đời với núi non thì lại bỗng dưng vượt biền Nam qua Bắc kết duyên âu-yếm cùng Thái-tử rồi lỗi hẹn trăm năm mà trở về núi cũ; đến sau, cảnh còn, người mất, gió mây trôi nổi ra oai thần thánh như vậy thì hành-vi bậc thần thánh không tự chủ nhất-định được hay sao, thật tôi rất lấy làm lạ.

Tự-Đức năm thứ 9 ngày 20 tháng 5. Bài này do Ông Phan-thanh-Giản. Hiệp-biện Đại-học-sĩ lãnh Lễ-bộ Thượng-thư, kính soạn – Bia đá do Ông Nguyễn-Quýnh, Thông chánh phó sứ điều lãnh Khánh-hòa bô chánh dựng – Bản dịch từ chữ Hán qua chữ Quốc Ngữ của Thái Văn Kiểm năm 1960 .

2.2. Sự tích Đức Bà Thiên Y A Na do người Chăm Pa lưu truyền.

Nhà khảo cổ học Henri Parmentier đã phát hiện được từ 7 đến 8 di tích tại các Tháp thờ Bà Thiên Y A Na. Các ngọn tháp vươn mình lên cao với nhiều dòng chữ khắc chi chít và kỳ lạ (ngày nay các nhà khảo cổ cho rằng các dòng chữ đó là chữ Phạn Cổ, được sử dụng bởi nhà nước Chăm Pa từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XII). Qua các dòng chữ Phạn cổ này kèm theo các lời kể từ người Chăm Pa, ta có thể khái quát được sự tích về Đức Bà Thiên Y A Na trong văn hóa Chăm như sau:

Tôn tượng Nữ thần Po Nagar hay theo cách gọi của người Việt là Thánh Mẫu Thiên Y A Na
Tôn tượng Nữ thần Po Nagar do người Chăm tạc

Nữ thần Po Ina Nagar (còn gọi là Yang Pô Nagara, Po Ana gar (ana trong tiếng Chăm Eđê, Jrai có nghĩa là Mẹ theo âm cổ) hay Bà Đen mà người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) được cho là sinh ra từ bọt nước biển và ánh mây trời. Bà xuất hiện ngoài biển khơi và được đưa vào bến sông Ea Dran tại Kauthara (người Việt gọi là Cù Giang hay sông Cái Nha Trang) bởi nước biển dâng cao. Khi bà giáng thế, sấm trời và gió hương nổi dậy báo tin cho muôn loài. Nước từ nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, và núi cũng hạ thấp mình để bà rước bà.
Khi bà bước lên bờ, cây cối cong xuống tỏ lòng thần phục, chim muông tụ tập hai bên đường, và hoa cỏ nở rộ rực rỡ để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Nữ thần Poh Nagar dùng phép thuật tạo ra cung điện nguy nga, trầm hương, lúa bắp,…
Bà được xem là vị thần tạo lập quả đất, sinh ra gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Thượng Đế trên thiên đình rất chuộng mùi thơm của lúa và trầm nên trong một lễ tế trời, Thánh mẫu đã tung lên không trung một hạt lúa có cánh, trắng như mây.
Để đền đáp lòng từ thiện và công đức vô bờ bến của Thánh mẫu, người Chăm đã dựng một ngôi đền thờ bà ở Yjatran (Nha Trang). Lời cầu nguyện của họ trong khi hành lễ như sau:
“Ngày xưa, Thiên Y A Na Thánh mẫu do trời sai xuống. Ngài đã có công tạo ra quả đất, gỗ trầm, lúa gạo. Hương mộc và kỳ nam là thứ gỗ tượng trưng sự linh thiêng của Ngài. Ngài làm tỏa hương gạo ngọt ngào, cổ vũ việc trồng cây bổ đề. Những ai, mỗi khi têm một cơi trầu, hay thưởng thức hương vị của lúa gạo, đều phải vội vàng sửa một quả phẩm thành kính dâng lên Ngài.”
Nữ thần Poh Nagar có nhiều phép thuật và cũng có nhiều chồng. Nơi hậu cung của bà có đến 97 ông chồng. Tuy nhiên, chỉ ông Pô Yan Amo là có uy quyền hơn cả. Sống với ngần ấy ông chồng, bà chỉ sinh được 38 người con gái. Những người con ấy sau đều thành thần, trong số có ba người được bà truyền nhiều quyền phép, đó là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih (cả hai được người dân vùng Phan Rang tôn thờ) và Pô Bia Tikuk (được người dân vùng Phan Thiết tôn thờ).

Sự Tích Đức Bà Thiên-Y-A-Na do người Chăm-pa lưu truyền – tổng hợp từ Thái Văn Kiểm và Quách Tấn (1960-1969).

2.3. Các sự tích truyền miệng khác về Đức Bà Thiên-Y-A-Na.

Ngoại trừ 2 bản sự tích được lưu truyền chính thống ở bên trên thì dân gian ta còn lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về Đức Bà Thiên-Y-A-Na. Các sự tích này không hẳn là dị bản mà có thể được xem như các “ngoại truyện”, những sự tích về nữ thần hiển linh.

đôi khi Thánh-Mẫu cưỡi trên lưng một con bạch tượng, đi du-ngoạn khắp đẩu non đình núi. Mỗi lần Ngài du-hành là mỗi lẩn người ta nghe rõ tiếng lệnh như tiềng thần công báo hiệu. Có khi ngài hiện ra thành một giải lụa nõn-nà, lượn khúc trên không trung, dưới bầu trời êm-ả, hay cưỡi trên đầu một con đại ngạc-ngư dạo chơi từ hòn cù-lao đến các đảo lân-cận.

Ông Đào-thái-Hạnh đăng trong tập sách “Đô thành hiểu cố” xuất-bản năm 1914

Một bản việt sử khác có chép rằng:

Đức Thể-tổ Cao-Hoàng, lúc bắt đầu trị vì đã thăng cho Ngài chức “Hồng-nhơn-Phổ-tế-linh-ứng Thượng đẳng thần” nghĩa là một vị thần cao cả, xá tội, ban ơn huyền-bí linh-diệu và được mọi người tôn-trọng. Nhà vua cho tuyển mộ 3 người trong đám dân vùng Cù lao rồi ban cho Ngài đề làm thủ-từ (người giữ đền), ngày đêm quét tước khói hương trong đến. Làng Cù-lao nay vẫn còn, dân-cư trù-mật, càng ngày càng phát đạt ở cửa biển sông Cái, trước mặt điện Poh Nagar.

Đất Việt Trời Nam – Thái Văn Kiểm.

Năm 1925, bác sĩ Sallet ghi chép lại lời kể của người dân địa phương về sự tích Thiên Y A Na. Sau đây là tóm tắt câu chuyện:

Một Thái tử từ Trung Hoa sang Việt Nam tìm vợ. Khi gặp một khúc trầm hương khổng lồ, Thái tử muốn đưa lên thuyền nên cho lính chặt ra làm ba khúc. Ngay lập tức, giông bão nổi lên làm đắm thuyền. Khúc trầm trôi ngược vào sông và tấp vào khu vườn ở làng Bình Thủy (Phan Rí).

Nhờ được báo mộng, chủ vườn thức dậy và thấy khúc trầm to có ghi chữ Thiên Y (Thiên Y A Na) cùng hai khúc trầm nhỏ (hai đứa con). Ông đem lên cất miếu thờ. Lâu ngày, gỗ trầm hóa đá.

bác sĩ Sallet (1925)

Theo nhà văn Sơn Nam, còn lưu truyền một câu chuyện khác về khúc trầm hương Thiên Y A Na:

Ngày xưa, có một phú thương người Hoa muốn mua hoặc đánh tráo khúc trầm trong miếu thờ Thánh Mẫu. Ông ta cho người đưa trầm lên ghe chở về Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ghe vừa ra khơi, giông tố bỗng nổi lên dữ dội, khiến thuyền phải quay về chỗ cũ.

Sự việc này xảy ra liên tục nhiều lần, khiến phú thương hoang mang. Ông ta bèn đến miếu Thiên Y A Na cầu xin. Sau khi cầu nguyện, ông ta được chỉ cho rằng khúc trầm hương là vật linh thiêng, không thể đem đi nơi khác.

Phú thương hối hận, liền đem lễ vật đến dâng cúng và xin phép được bảo vệ khúc trầm. Từ đó, khúc trầm hương Thiên Y A Na vẫn được lưu giữ tại miếu thờ, trở thành biểu tượng cho sự linh thiêng và sức mạnh của vị nữ thần.

Viết lại theo Sơn Nam, Đình miếu & lễ hội dân gian, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.

III. Đức Bà Thiên Y A Na và Trầm Hương.

Người Khánh Hòa, đặc biệt là những người đi tìm trầm hương, tin rằng trầm hương là của bà Thiên Y A Na. Theo họ, chỉ những người được bà ban phước mới có thể tìm thấy trầm hương. Kể cả khi cố gắng tìm kiếm, nếu không được bà cho phép, người ta cũng sẽ không thể tìm thấy.

Có những người may mắn, không cần đi tìm mà tự nhiên được bà ban cho trầm hương. Tương truyền rằng bà có bốn cây trầm hương kỳ cựu trấn giữ bốn phương:

  • Một cây ở Đồng Bò, trấn giữ phía Nam.
  • Một cây ở Hòn Bà Ninh Hòa, trấn giữ phía Bắc.
  • Một cây ở Hòn Dữ Diên Khánh, trấn giữ phía Tây.
  • Một cây ở Suối Ngổ, trấn giữ phía Đông.

Những cây trầm hương này không còn lá, không còn dác, và không thể bị hư hại bởi mưa nắng. Chim rừng canh gác và cọp rắn bảo vệ chúng. Bất kỳ ai có ý định chiếm đoạt sẽ bị “lính canh giữ của bà” đánh đuổi.

3.1. Nghi thức cúng bái Bà Thiên Y-A-Na trước khi tìm trầm hương.

Trước khi vào rừng tìm trầm, người đi điệu (phu trầm) phải thực hiện nghi thức cúng bái để cầu xin sự phù hộ của Thiên Y Thánh Mẫu. Bà được xem là hiện thân của trầm hương và kỳ nam, đồng thời là vị thần cai quản vùng đất có hai loại gỗ quý này, bao gồm Vijaya (Bình Định, Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (Phan Rang).

Lễ cúng bái được thực hiện ba lần liên tiếp với các vật phẩm như hương, hoa, trầm, trà, rượu, chè, xôi và trầu cau. Mỗi tốp đi điệu có khẩu hiệu riêng để tránh lạc đường trong rừng

Tương truyền rằng có những tốp tìm trầm đi ngang qua cây gió mà không thấy, như bị che mờ mắt. Đây là dấu hiệu cho thấy Thiên Y Thánh Mẫu không cho họ hưởng lộc tìm được trầm hương và kỳ nam. Người ta cũng tin rằng những kẻ độc ác, gian xảo sẽ không bao giờ tìm được loại gỗ quý này.

Nghi thức cúng bái thể hiện lòng thành kính và sự tôn kính của người đi điệu đối với Thiên Y Thánh Mẫu. Họ tin rằng bà sẽ che chở và dẫn dắt họ tìm được trầm hương, đồng thời trừng phạt những kẻ có ý đồ xấu.

3.2. Nghi thức cúng bái Bà Thiên Y-A-Na của người phu trầm Chăm-pa thời xưa.

Việc tìm kiếm trầm hương ngày trước là một hoạt động mang tính tâm linh cao. Người Chàm tin rằng các vị thần sẽ giúp đỡ họ tìm được trầm hương, và họ cần phải bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần.

Việc tìm kiếm trầm hương ngày trước được giao phó cho một tù trưởng Chăm có danh chức là Po Gahlun (Gahla, Gahlau), tức là chúa trầm mộc. Ông là tù trưởng làng Palei Palap hoặc Palam (tên Việt là An Nhơn), cách Phan Rang 10 cây số về phía Bắc.

Po Gahlun chỉ huy một tốp 16 người kani hoặc kunt, tức là người tìm trầm hương, thuộc các bộ lạc Uran Glai (Raglai) do một Pavak (đội trưởng) điều khiển. Nhiệm vụ của họ là tìm kiếm trầm hương và được hưởng quyền chia phần gỗ quý khi tìm được.

Trước khi vào rừng, họ phải làm lễ cúng các vị thần như Po Klong Garai, Po Romé, Po Nogar Dara (con gái của Po Nagar) và Po Nogar Hamu Kut. Bốn vị thần này được cho là sẽ giúp họ tìm kiếm được kết quả tốt.

Lễ cúng gồm có một con dê, năm bát cơm, mười quả trứng và một bát canh thịt dê. Lễ được cử hành vào ngày tốt (harei, ciam) trong tuần, tức là ngày thứ nhất, thứ tư và thứ sáu.

Sau khi cúng tế, những người đi tìm trầm hương khởi hành dưới sự hướng dẫn của Po Gahlun và Pavak. Trong khi đi rừng, họ cấm nói chuyện vì người Chăm tin rằng tiếng động có thể làm bay hương trầm đi mất.

Khi trở về, họ lập đàn cúng vị nữ thần Po Bja Binon, người bảo vệ cây trầm hương, để tỏ lòng tri ân. Sau đó, họ lần lượt đến 4 nơi cổ tháp thờ 4 vị thần đã cúng trước đây để chiêm bái một lần nữa. Mỗi lần cúng, họ đều phải hạ một con trâu.

Ảnh Hưởng Và Di Tích Chiêm Thành – Thái Văn Kiểm (1960)

Nhìn chung, nghi thức cúng bái của người Chăm trong việc tìm kiếm trầm hương thể hiện sự hòa quyện giữa tín ngưỡng tôn giáo, tinh thần cộng đồng và giá trị văn hóa truyền thống.

IV. Một số nhận định khác.

Tín ngưỡng thờ Đức bà Thiên Y A Na là một di sản văn hóa tâm linh độc đáo, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa người Chăm và người Việt.

Nguồn gốc của tín ngưỡng này xuất phát từ tục thờ Bà Ponagar của người Chăm. Sau khi người Việt đến sinh sống và khai khẩn đất đai, họ đã Việt hóa tục thờ này bằng truyền thuyết về bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà Nha Trang.

Việc thờ cúng Thiên Y A Na có nhiều điểm tương đồng với tục thờ Mẫu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của văn hóa Chăm, người dân địa phương thường ít ai nghĩ đây là một vị thần có nguồn gốc Chăm.

Hình ảnh bà Thiên Y A Na đã được biến đổi và đồng nhất với nhiều vị thần khác nhau:

  • Chúa Xứ Thánh mẫu: Vị thần phù hộ nông dân trong các ấp, có nguồn gốc từ nữ thần Uma của Ấn Độ.
  • Bà Chúa Ngọc nương nương, hay bà Hồng, cô Hồng ở Nam Bộ: Bắt nguồn từ Bà Mẹ xứ sở của người Chăm.
  • Bà Đen ở Tây Ninh, Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ: Cũng là sự tiếp nối của bà Thiên Y A Na.

Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với vị nữ thần Mẹ Xứ Sở, cầu mong sự che chở, phù hộ cho cuộc sống bình an, sung túc.

Bên cạnh đó, tín ngưỡng này còn thể hiện:

  • Lòng biết ơn đối với những người có công khai khẩn đất đai.
  • Mong ước về sự hòa thuận, đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc.
  • Niềm tin vào sức mạnh tâm linh và giá trị văn hóa truyền thống.

Bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản về nguồn gốc, sự phát triển và biến đổi của tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na. Qua đó, giúp người đọc hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa và lịch sử của di sản này.

One thought on “Đức bà Thiên Y A Na: Vị Nữ Thần Cai Quản Trầm Hương.

  1. Pingback: Phu Trầm - Người đi điệu: nghề "Ngậm Ngãi Tìm Trầm". - Trầm Hương An Nam - 安南沉香

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *