Phân Loại Trầm Hương: Tổng Hợp Các Phương Pháp.

phân loại trầm hương

Trầm hương, một loại gỗ quý hiếm với hương thơm đặc biệt, từ lâu đã được sử dụng trong văn hóa và y học phương Đông. Việc phân loại trầm hương đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị và công dụng của nó. Bài viết này sẽ tổng hợp các phương pháp phân loại trầm hương từ dân gian đến khoa học, giúp người đọc hiểu rõ hơn về loại vật liệu quý giá này.

I. Lý do cần phân loại trầm hương.

Trầm hương có nhiều loại với giá trị và công dụng khác nhau. Trầm hương có chất lượng cao luôn có giá cao trên thị trường. Nhưng nếu nhu cầu của bạn là trang sức từ trầm hương mà bạn lại chọn một mảnh trầm hương dùng cho việc làm thuốc là không nên và gây lãng phí. Mục tiêu của việc phân loại không chỉ nhằm xác định về chất lượng của trầm hương mà nó còn có nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm:

  • Phân loại trầm hương để xác định mục tiêu sử dụng.
  • Phân loại trầm hương để xác định phương pháp bảo quản.
  • Phân loại trầm hương để định giá.
  • Phân loại trầm hương để dùng cho nghiên cứu khoa học.

Phân loại trầm hương là một công việc cần thiết để đánh giá chất lượng, giá trị và công dụng của nó. Việc phân loại Trầm Hương vốn cũng là việc gây tranh cãi từ xưa đến nay, vậy đâu là cách phân loại đúng nhất. Trong bài viết này chúng ta sẽ xem xét tất cả các phương pháp phân loại trầm hương.

II. Phân loại trầm hương theo dân gian.

Theo có 3 tài liệu được lưu truyền về cách phân loại trầm hương:

1. Phân loại trầm hương theo ghi chép trong Phủ Biên Tạp Lục:

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết về cách phân loại trầm hương trong dân gian ta như sau:

(Trầm Hương) Hạng nào cành nhỏ rắn chắc là hạng quý, hạng đen mà cho vào nuớc thì chìm là trầm hương, nửa chìm nửa nổi là kê-cốt hương, hạng thớ to là  tiên hương.

Trầm hương sản ở nhiều nơi, sản ở Chân-lạp là hạng tốt nhất, ở Chiêm-thành là thứ hai, ở Bột-nê là thứ ba. Trầm hương sản ở Chân-lạp chia làm 3 hạng, hạng ở Lục-dương là là tốt nhất, hạng ở Tam-lộc thứ hai còn hạng Bột-la-cương là kém.

Nói về hương thì hạng trầm có ngay khi cây còn tươi là tốt nhất, hạng trầm nào khi cây đã héo mà rụng xuống là hạng vừa. Chặt nó dòn và rắn là tốt, chất vàng là hạng vừa.

[Xét về dược tính]: Hạng sắc đen xuống nước chìm thì tốt. Hạng mùi ngọt thì có tính ôn hòa, hạng có chất cay thì nóng. Thứ trầm có vân vàng gọi là hoàng trầm, thứ trầm như sừng trâu gọi là giác trầm, thứ trầm khi người ta thấm thì thấy mềm, khi người ta bóc thì nó cuốn lại là hoàng-lạp-trầm, hạng ấy rất hiếm có, hạng trầm nổi gọi là sạn hương, hạng trầm nửa nổi nửa chìm là tiên hương. Còn hạng gọi là kê cốt hương dẫu chìm nhưng ruột rất rắn thì không dùng được.

Phủ Biên Tạp Lục bởi Lê Quý Đôn.

Ta thấy việc phân loại trầm hương vào thế kỷ 17 dựa vào các tiêu chí sau:

  • Dựa vào đặc điểm hình thức: cành nhỏ rắn chắc, màu đen, thớ to…
  • Dựa vào nguồn gốc xuất xứ: Chân Lạp, Chiêm Thành, Bột Nê…
  • Dựa vào thời điểm hình thành: khi cây còn tươi, khi cây đã héo…
  • Dựa vào tính chất: chìm, nổi, mùi thơm, màu sắc…
  • Dựa vào hương vị và dược tính: tính ôn hòa, cay, đắng . . .

Một vài phương pháp phân loại này vẫn còn thịnh hành cho đến ngày nay như tính chất chìm nổi, màu sắc. . . Phương pháp của nhà bác học Lê Quý Đôn được tổng hợp từ dân gian nhưng có giá trị tham khảo rất cao. Các phương pháp phân loại này đăt một nền móng vững chắc cho việc phân loại trầm hương sau này.

2. Phân loại trầm hương theo Thái Văn Kiểm:

Theo nhà Đông phương học Thái Văn Kiểm, trầm hương có thể phân loại theo vị trí hình thành trên thân cây:

Nếu chất trầm này có lỗ và lởm-chởm thì gọi là trầm mắt kiến. Nếu mới bắt đầu tụ tập dầu ở vài nơi khác, làm thành một thứ gỗ thơm có vài chấm đà, thì gọi là trầm tốc.

Những đoạn kiến đục khoét cây gió để làm tổ, những lỗ trong thân cây lâu ngày kết thành trầm kiến. Còn trầm rễ là thứ trầm do những rễ cây mà ra. Cũng có thể do sự chặt, vạt của những tốp điệu. Có thứ trầm gọi là trầm mắt tử, kết tạo ở trên nhành cây. Còn có thứ trầm tốc, kết tạo đơn sơ như trên kia đã nói. Kể ra trên thị-trường có đến 7 thứ tốc:

  • Tốc hoa (trạng thái lốm đốm như hoa).
  • Tốc nước (mình nặng ướt),
  • Tốc xám (mình ướt).
  • Tốc lọ nghẹ (đen như bồ hóng),
  • Tốc đá (nặng, hình như viên đá)
  • Tốc hương (thứ này có thể biển ra kỳ-nam nều bạ đúng dầu),
  • Tốc ớt (ăn cay giống ớt Xiêm).
Đất Việt Trời Nam – Thái Văn Kiểm.

vậy theo Thái Văn Kiểm, trầm hương có thể được phân loại như sau:

  • Phân loại theo thời gian hoặc hình dáng hình thành:
    • Trầm mắt kiến: trầm có lỗ và lởm chởm
    • Trầm tốc: phần gỗ mới bắt đầu có dầu tụ lại, loại trầm này tuy còn non nhưng số lượng rất nhiều, loại trầm này được chia làm 7 loại dựa vào tính chất và hình thái:
      • Tốc hoa, tốc nước, tốc xám, tốc lọ nghẹ, tốc đá, ốc hương, ốc ớt.
  • Phân loại theo nguồn gốc, vị trí tạo trầm:
    • Trầm kiến (do kiến đục khoét)
    • Trầm rễ (trầm ở rễ cây)
    • Trầm mắt tử (trầm ở những hốc cây)

III. Phân loại trầm hương theo người Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia có nhu cầu về trầm hương cao nhất thế giới, từ thời cổ đại thì Trung Quốc đã có hệ thống phân loại trầm hương rất kỹ.

1. Phân loại trầm hương theo người Trung Quốc cổ.

Từ thời Tây Tấn, được viết lại nhiều lần trong các ghi chép của triều đại nhà Tống và nhà Minh trước khi mai một, người Trung Quốc cổ đại đã phân loại trầm hương theo các thuật ngữ sau:

  • Mật hương – 蜜香: Có nghĩa là “hương mật ong”, loại trầm hương này có mùi thơm ngọt ngào, tinh tế và được đánh giá cao nhất.
  • Trầm hương – 沉香: Loại trầm hương có màu đen và chìm trong nước. Là loại phổ biến nhất
  • Kê cốt hương – 鸡骨香: Loại trầm hương có màu trắng và có hình dạng giống như xương gà. loại trầm hương này có màu sẫm, nặng và có mùi thơm nhẹ hơn so với trầm hương.
  • Hoàng túc hương – 黄熟香: Có nghĩa là “hương vàng chín”, loại trầm hương này có màu vàng óng, mịn màng và có mùi thơm thanh tao.
  • Trạm hương – 栈香: Loại trầm hương này có màu nâu sẫm, nhiều vân và có mùi thơm hăng nồng. Thường dùng làm trang sức.
  • Thanh quế hương – 青桂香: Có nghĩa là “hương quế xanh”, loại trầm hương có mùi thơm cay nồng giống như quế.
  • Mã đề hương – 马蹄香: Có nghĩa là “hương móng ngựa”, loại trầm hương này có hình dạng dẹt, mỏng, giống móng ngựa.
  • Kê thiệt hương – 鸡舌香: Có nghĩa là “hương lưỡi gà”, loại trầm hương này có hình dạng cong, nhọn giống lưỡi con gà.

Theo cách phân loại trên, cổ nhân Trung Quốc dựa vào hình dáng, màu sắc và hương thơm để phân loại trầm hương. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả trong việc phân loại và giao thương với các quốc gia phía nam.

2. Phân loại trầm hương theo người Trung Quốc hiện đại.

Đây là cách phân loại trầm hương trên các diễn đàn về trầm hương của người Trung Quốc. Họ cho rằng Trầm hương tự nhiên có thể được phân loại thành bốn loại dựa trên nguyên nhân hình thành:

1. “Thục kết” – 熟结: hay còn gọi là “Trầm rục”, “Trầm chín”. Sau khi cây chết, rễ và thân cây đổ xuống đất hoặc chìm trong bùn, trải qua nhiều năm gió sương, dần dần phân hủy, co lại và cuối cùng chỉ còn lại phần kết tụ chủ yếu là thành phần dầu. Theo “Bản thảo cương mục“, “Cây gỗ lâu năm, vỏ ngoài mục nát, lõi gỗ và cành không hỏng, cứng đen chìm nước, tức là trầm hương”.

2. “Sinh kết”生结: hay còn gọi là “Trầm Sanh” hay “trầm sinh” Tạo thành từ những khối hương trong khi cây còn sống. Sau khi bị tác động bởi ngoại lực như dao đốn, rắn côn trùng cắn phá gây ra vết thương sâu, cây hương sẽ tiết ra nhựa để tự bảo vệ, từ đó tạo thành khối hương ở khu vực xung quanh vết thương.

3. “Thoát Lạc”脱落: Trầm Hương hình thành sau khi cành rụng .

4. “Trùng Lậu”虫漏: Trầm Hương hình thành do sự đục khoét của sâu mọt, vi khuẩn.

Ngoài cách phân loại dựa trên quá trình hình thành, Giáo sư Liu Liang You, một trong những bậc thầy về hương liệu còn phân loại trầm hương dựa vào loại đất dính vào mảnh trầm hương đó, Giáo sư cho rằng có 2 dòng trầm hương chính trên thị trường hiện nay là:

1. Trầm hương Việt Nam:

  • Trầm hương đất vàng: Màu vàng tự nhiên của đất.
  • Trầm hương đất đỏ: Màu đỏ đặc trưng của đất bazan ở một số vùng trồng trầm hương tại Việt Nam.
  • Trầm hương đất đen: Có thể là màu tự nhiên của đất hoặc do trầm hương tiếp xúc với môi trường lầy lội.

2. Trầm hương Indonesia:

  • Trầm hương đất vàng Indonesia: Tuy nhiên, loại này thực chất là trầm hương Filaria từ vùng Irian/Merauke, đôi khi có thêm trầm hương Papua. có mùi thơm thảo dược mạnh khi đốt hoặc hơ nóng, dễ nghiền thành bột mịn. Loại này thường được sử dụng để pha trộn với trầm hương từ các nguồn gốc khác do giá thành thấp.
  • Đặc điểm:
    • Mùi hương thảo dược nồng khi đốt hoặc nung nóng.
    • Dễ dàng nghiền thành bột mịn.
    • Giá thành rẻ nên thường được dùng để pha trộn với trầm hương từ các nguồn gốc khác.

IV. Phân loại trầm hương theo khoa học hiện đại.

1. Phân loại theo thành phần hóa học

Với ngành hóa học hiện đại, Phương pháp sắc ký khí – quang phổ khối (GC-MS) là một phương pháp phổ biến để xác định các loại hợp chất hoặc tinh dầu tạo nên trầm hương. đây cũng là phương pháp hiệu quả để phân loại trầm hương tốt nhất hiện nay. Các hợp chất thưởng thấy trong trầm hương bao gồm: 2-methoxy-6-(p-methoxybenzyl)-3-methyl-5-benzofuranol (agallochol), jinkoh-eremol, 7-hydroxy-3-methyl-isobenzofuran-1(3H)-one (dehydroagarofuran)… còn rất nhiều các hợp chất mà các nhà khoa học vẫn chưa xác định được đầy đủ. Các hợp chất trong trầm hương có thể được phân loại như sau:

1. Dựa trên tính chất hóa học:

  • Hợp chất terpenoid: Đây là nhóm hợp chất chủ yếu trong trầm hương, bao gồm sesquiterpenoid, diterpenoid và triterpenoid.
  • Hợp chất thơm: Gồm các hợp chất như benzenoid, coumarin, benzofuran,…
  • Hợp chất không thơm: Gồm các hợp chất như alcohol, aldehyd, ester, lacton,…

2. Dựa trên vai trò trong việc tạo hương thơm:

  • Hợp chất tạo hương chính: Gồm các hợp chất sesquiterpenoid, diterpenoid và benzenoid.
  • Hợp chất tạo hương phụ: Gồm các hợp chất như alcohol, aldehyd, ester, lacton,…

3. Dựa trên vị trí phân bố trong trầm hương:

  • Hợp chất trong gỗ: Gồm các hợp chất như lignin, cellulose, hemicellulose,…
  • Hợp chất trong dầu trầm hương: Gồm các hợp chất sesquiterpenoid, diterpenoid và benzenoid.
  • Agarofuran: Là thành phần chính tạo nên mùi thơm đặc trưng của trầm hương. Hàm lượng agarofuran càng cao, chất lượng trầm hương càng tốt.
  • Benzenoid: Gồm các hợp chất như benzaldehyde, benzyl alcohol, benzoic acid… góp phần tạo nên hương thơm và tính chất của trầm hương.
  • Tinh dầu: Là hỗn hợp các hợp chất hữu cơ, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây khỏi tác động của môi trường và côn trùng.

2. Phân loại theo tuổi hình thành trầm hương bằng phương pháp đồng vị carbon:

Có thể phân loại theo tuổi hình thành trầm hương dựa vào đồng vị carbon. Phương pháp này dựa trên nguyên tắc phân rã phóng xạ của đồng vị Carbon-14 (¹⁴C).

Ứng dụng trong phân loại trầm hương:

  • Trầm hương được hình thành từ quá trình tích tụ nhựa cây dó bầu sau khi bị tổn thương.
  • Quá trình này có thể kéo dài hàng chục đến hàng trăm năm.
  • Bằng cách đo tỷ lệ ¹⁴C/¹²C trong mẫu trầm hương, có thể xác định được tuổi của trầm hương.

Phương pháp này tuy có thể xác định tuổi của mẫu trầm hương mà không phá hủy mẫu nhưng lại tốn kém và ít khi được sử dụng để phân loại trầm hương thông thường. Phương pháp này thường sử dụng cho các khối trầm trong khảo cổ học. Ngoài ra, để xác định tuổi trẩm hương người ta còn dựa vào mùi hương:

  • Trầm hương non: Hình thành trong thời gian ngắn, thường dưới 10 năm. Loại này có hàm lượng tinh dầu thấp và mùi thơm nhẹ.
  • Trầm hương trung: Hình thành trong khoảng 10-50 năm. Loại này có hàm lượng tinh dầu cao hơn và mùi thơm nồng nàn hơn.
  • Trầm hương già: Hình thành trên 50 năm. Loại này có hàm lượng tinh dầu cao nhất và mùi thơm đặc trưng, quý giá nhất.

3. Phân loại theo độ đậm đặc của tinh dầu

Chất lượng của trầm hương phụ thuộc vào độ đậm đặc của tinh dầu. bằng cách sử dụng khối lượng riêng d = m/v, ta có thể xác định một mẫu trầm hương có chìm trong nước hay không
_Gỗ cây dó bầu nếu không có trầm hương thì có khối lượng riêng d = 0.4g/cm^3
_Trầm hương chìm: Hàm lượng tinh dầu cao, khối lượng riêng lớn hơn 1g/cm^3, chìm trong nước.
_Trầm hương bán chìm: có khối lượng riêng d = 1g/cm^3
_Trầm hương nổi: Hàm lượng tinh dầu thấp, khối lượng riêng nhỏ hơn 1g/cm^3, nổi trên nước.

Đây là phương pháp cơ bản, dễ làm, dễ tiếp cận. Nhưng hiện nay có một số nhà buôn cho bột chì hoặc bột đá vào trong lõi trầm để làm trầm hương chìm. nên PP này chỉ thực hiện khi bạn chắc rằng khối trầm hương của mình chưa bị “xử lý”.

Kết luận.

Bài viết này đã trình bày tổng quan về các phương pháp phân loại trầm hương từ dân gian đến khoa học. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng, tuy nhiên việc phân loại khoa học hiện đại được đánh giá cao hơn về tính chính xác và khách quan.

Kết luận chung:

  • Phân loại trầm hương là một việc làm cần thiết để đánh giá chất lượng và giá trị của loại gỗ quý này.
  • Có nhiều phương pháp phân loại trầm hương khác nhau, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế riêng.
  • Phân loại theo khoa học hiện đại là phương pháp chính xác và khách quan nhất.
  • Người tiêu dùng nên hiểu rõ về các phương pháp phân loại trầm hương để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.

Ngoài ra, cần lưu ý:

  • Trên thị trường hiện nay có nhiều loại trầm hương giả, kém chất lượng.
  • Nên mua trầm hương tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng.
  • Trầm hương là một loại gỗ quý, cần được bảo quản đúng cách để giữ được hương thơm và giá trị.

Bài viết này hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về phân loại trầm hương.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *